Tượng thờ trong Điện thờ Tam Tứ Phủ ⋆ Đồ thờ Sơn Đồng Hà Nội

Tượng thờ trong Điện thờ Tam Tứ Phủ

Đi lễ nhưng không biết đền, điện, phủ thờ ai

Đền phủ điện thờ là những nơi tôn nghiêm, thờ cúng các vị Phật Thánh hiển linh, có công ơn với đất nước và nhân dân, được muôn dân kính ngưỡng, triều đình sắc phong hay nhà nước công nhận. Bản thân các nơi đền to phủ lớn trải qua nhiều trăm năm hương khói, linh khí rất lớn, trở thành nơi danh lam cổ tích, thắng cảnh tươi đẹp.

Mỗi năm vào các dịp lễ tết, hay những ngày tuần tiết rằm mùng một, rất đông các tín đồ của Đạo Mẫu cũng như những người tín tâm khác thường đến lễ Thánh Mẫu cùng hội đồng Tam Tứ Phủ tại các đền, phủ, điện thờ…, cầu đảo bình an, hạnh phúc, lộc tài, may mắn….

Thực tế do trong nội điện, nội phủ thường có khá nhiều cung thờ, hay ngay trong một điện thờ nhỏ cũng có khá nhiều ban, nhiều tượng thánh gây khó khăn cho người hành lễ, không biết phải khấn sao cho đúng, cho đủ cũng như phải tu thiết sắm sửa lễ nghi sao cho cảm thấy đầy đủ, không bị thiếu sót kẻo lại bị trách phạt…

1. Bài trí trong một điện thờ:

Vào bất kì một điện thờ nào ta cũng dễ dàng nhận thấy là chia ra mấy tầng lớp, mấy hàng theo chiều từ cao xuống thấp:

  • Hàng trên cùng: Thường thờ một tượng bồ tát quán âm hoặc bồ tát chuẩn đề, tính chất đại diện cho chư Phật chư bồ tát
Tượng bồ tát chuẩn đề
Tượng bồ tát chuẩn đề
  • Hàng tiếp theo: Tượng 3 vị Thánh Mẫu, ngồi giữa là vị thần chủ áo đỏ tức Mẫu Liễu Hạnh, một bên là Mẫu thoải áo trắng, một bên là Mẫu thượng ngàn mặc áo xanh. Đôi khi có hai nàng hầu cận đi theo các Thánh Mẫu gọi là đôi cô Quỳnh cô Quế hầu cận.
Tượng tam tòa thánh mẫu
Tượng tam tòa thánh mẫu
  • Hàng tiếp theo một số đền điện có thờ Đức Ngọc Hoàng cùng hai vị quan Nam Tào và Bắc Đẩu coi giữ sổ sinh sổ tử nhân gian, cũng có đền điện không có các vị này. Cũng có một số đền điện tượng ba vị ngồi trên tượng tam toà Thánh Mẫu.
  • Hàng tiếp theo: Ngũ vị tôn ông hay còn gọi là hội đồng quan lớn. Mỗi vị quan lớn mặc một áo mầu khác nhau tượng trưng cho vùng/phủ mà vị ấy cai quản: quan đệ nhất cai quản vùng trời/thiên phủ áo đỏ, quan đệ nhị cai quản vùng núi rừng/nhạc phủ áo xanh, quan đệ tam cai quản vùng sông nước/thoải phủ áo trắng, quan đệ tứ cai quản vùng đất/địa phủ áo vàng, quan đệ ngũ cai quản thiên binh thiên tướng/âm binh mặc áo mầu lam. Một số đền điện tượng các quan không khoác áo mà có thể giống nhau, cách phân biệt dựa vào cách giơ ngón tay của vị quan lớn đó.
Tượng ngũ vị tôn quan
Tượng ngũ vị tôn quan
  • Hàng tiếp theo: Tứ phủ thánh hoàng, thường có ba pho tượng thánh hoàng là thánh hoàng bơ mặc áo trắng, thánh hoàng bẩy mặc áo lam, thánh hoàng mười mặc áo vàng làm đại diện cho thập vị thánh hoàng.
Tượng hoàng
Tượng hoàng
  • Phía dưới gầm bệ thờ: Ngũ hổ tướng, hai tướng thanh xà, bạch xà. Đa phần đền điện hai vị tướng thanh xà bạch xà được treo trên cao. Đây được coi là các binh tướng của nhà Thánh.

Trên đây là chính cung hay còn gọi là cung công đồng, nằm ở chính giữa tất cả các điện thờ, qui mô to lớn nhất, trang trí lộng lẫy nhất.

  • – Phía bên trái/phải tuỳ theo từng vùng: tượng đức thánh Trần
  • – Phía còn lại: tượng chúa sơn trang cùng 12 cô mường mán sơn trang theo hầu chúa sơn trang

Như vậy, thông thường tại đền điện chính giữa là ban công đồng gồm các vị từ Phật, Thánh Mẫu, 5 quan lớn, 3 thánh hoàng, ngũ hổ và hai bên tả hữu trái phải là đức thánh Trần và chúa sơn trang.

Về phần tứ phủ thánh chầu, các đền điện ít có hàng này trên bệ thờ. Một số đền lớn thì lập hẳn cung riêng thờ các thánh chầu. Ngoài ra một số nơi còn bố trí thêm lầu cô lầu cậu bên ngoài sân.

Một số đền điện có thể có thêm các ban khác hoặc giảm bớt số lượng tượng, hoặc chia thành nhiều cung thờ khác nhau nhưng xét một cách tổng thể sẽ là như vậy, tạo thành một hệ thống thờ hoàn chỉnh căn bản của một đền điện.

Xin vui lòng chia sẻ để nhiều người hiểu được về cách bài trí điện thờ và cách khấn Phật Thánh, sao cho đạo pháp được lan truyền mọi người đều an lạc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0986161623