Tu bổ di tích không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ qua lại rất chặt chẽ…
1 – Công tác tu bổ di tích lịch sử và văn hoá
Tu bổ di tích không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ qua lại rất chặt chẽ như: Nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật và quá trình thi công, sản xuất v.v… Công tác tu bổ di tích phải đáp ứng được các nhu cầu: Giải phóng, tước bỏ khỏi di tích tất cả các lớp bổ sung xa lạ, gây ảnh hưởng xấu tới các mặt giá trị của di tích; giữ lại tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích; trên cơ sở khoa học đáng tin cậy khôi phục lại một cách chính xác những yếu tố đã bị thiếu hụt, mất mát trong quá trình tồn tại của di tích; trả lại cho di tích hình dáng vốn có của nó; làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, cũng như thử thách của thời gian.
Đội thợ đang tiến hành tu bổ sửa chữa
1.1 – Cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa xây dựng mới và sửa chữa công trình với công tác tu bổ và bảo quản di tích
Về bản chất công tác tu bổ di tích là một quá trình sản xuất, sáng tạo, tuy không phải là bộ môn khoa học độc lập nhưng trong quá trình sản xuất nó vẫn cần có những tiền đề và cơ sở khoa học, ngược lại những thành tựu, những phát hiện mới trong quá trình tu bổ cũng có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển khoa học. Mục tiêu bao trùm là phải xác định chính xác giá trị của di tích về các mặt lịch sử, văn hoá, khoa học… tìm biện pháp bảo tồn nguyên trạng di tích để phát huy giá trị, phục vụ những nhu cầu do xã hội đặt ra. Muốn thực hiện được mục tiêu đó, kiến trúc sư hiện nay khi can thiệp vào một công trình sẵn có thì cần phải hiểu những ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư đã thiết kế ra công trình đó, cũng như các sự kiện lịch sử và văn hoá đã diễn ra tại di tích. Tính chất đặc thù đó buộc kiến trúc sư tu bổ phải tôn trọng ý tưởng kiến trúc, yếu tố nguyên gốc và giá trị văn hoá hàm chứa trong vỏ kiến trúc của công trình. Thứ nữa, công tác tu bổ còn đặt ra yêu cầu phải tước bỏ khỏi di tích phần bổ sung không chính đáng sau này làm ảnh hưởng sai lệch các mặt giá trị của di tích, nhằm tạo điều kiện cho khách tham quan tiếp cận và hưởng thụ các mặt giá trị chân chính của văn hoá.
Trong xây dựng mới người ta chỉ tập trung mọi nỗ lực để vận dụng các thành tựu về kỹ thuật và vật liệu nhằm sáng tạo ra một công trình vừa đẹp, vừa bền vững và tiện ích nhất cho người sử dụng. Tức là thoả mãn các công năng kiến trúc, do đó khả năng sáng tạo và sử dụng vật liệu, kết cấu không gian không hạn chế đối với kiến trúc sư thiết kế. Hình dáng kiến trúc của công trình phụ thuộc hoàn toàn vào ý tưởng sáng tạo của kiến trúc sư.
Sửa chữa một công trình xây dựng hay một vật dụng chỉ đơn thuần là thấy chỗ nào hư hỏng thì sửa lại, gia cố, thay thế hoặc làm lại để phục vụ chủ yếu cho những công năng cụ thể.
Ngược lại bảo quản là sử dụng các biện pháp kỹ thuật giữ cho di tích ở nguyên trạng thái hiện có của nó mà không bị tiếp tục hư hỏng, bị thay đổi, biến dạng, không bị thêm bớt các bộ phận cấu thành. Còn tu bổ di tích bao hàm cả hai khái niệm sửa chữa và bảo quản nhưng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị khoa học thật nghiêm túc.
1.2 – Như chúng ta đã biết công tác tu bổ di tích chỉ đạt được hiệu quả cao khi các kiến trúc sư thiết kế và thi công tu bổ di tích tuân thủ các nguyên tắc khoa học
Thứ nhất: Có thái độ trân trọng đối với các yếu tố nguyên gốc và các bộ phận của di tích được bổ sung sau này nhưng có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ.
Thứ hai: Trước khi tiến hành tu bổ cần phải triển khai việc nghiên cứu liên ngành để có sự hiểu biết cặn kẽ di tích về các mặt: Giá trị, tình trạng bảo quản. Cũng như các hoàn cảnh lịch sử và đặc thù văn hoá ở địa phương nơi có di tích dự kiến được tu bổ.
Thứ ba: Các giải pháp tu bổ cần được trao đổi rộng rãi, lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu ở các ngành khoa học có liên quan để có thể lựa chọn được giải pháp tối ưu nhất.
Thứ tư: Chỉ tiến hành tu bổ, phục hồi di tích khi có cơ sở cứ liệu khoa học chính xác (tài liệu viết, bản vẽ đạc hoạ, ảnh chụp, bản dập v.v…) phần mới phục hồi phải phù hợp và tạo thành một khối thống nhất với phần nguyên gốc còn lại. Do đó trong thực tế chúng ta phải luôn cố gắng đến mức tối đa sử dụng vật liệu và công nghệ truyền thống vào việc tu bổ, phục hồi di tích. Đặc biệt là phần mới bổ sung trong quá trình tu bổ phải có “dấu hiệu” để phân biệt với bộ phận nguyên gốc của di tích.
Thứ năm: Theo đuổi mục tiêu cơ bản nhất là gia cố tăng cường độ bền vững của di tích, đảm bảo các điều kiện cần thiết để di tích có thể tồn tại lâu dài ở dạng nguyên gốc: Từ hình dáng, cơ cấu kiến trúc, màu sắc, đường nét trang trí mỹ thuật đến vật liệu xây dựng v.v…
Thứ sáu: Quá trình tu bổ di tích phải được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát và cộng đồng cư dân nơi có di tích.
Tu sửa khu di tích lịch sử
Hình ảnh thi công
1.3 – Thông thường chúng ta vẫn sử dụng các hình thức tu bổ di tích như
– Tu bổ quy mô lớn với mục tiêu phục hồi và tái tạo lại toàn bộ hay từng phần di tích đã bị mất đi, bị làm sai lệch hay biến đổi hình dáng. Trong đó phục hồi di tích đặt ra nhiệm vụ tước bỏ những lớp bổ sung sau này làm sai lệch hình dáng ban đầu, làm giảm các mặt giá trị của di tích (trừ trường hợp những lớp bổ sung sau này nếu có giá trị thẩm mỹ trở thành bộ phận hữu cơ của di tích thì cần được trân trọng). Còn tái tạo di tích có nghĩa là phục dựng lại những yếu tố, các bộ phận di tích đã bị mất, hoặc chỉ còn lại những chi tiết đơn lẻ. Ngoài ra có thể tái định vị các bộ phận di tích đã bị sụp đổ hoặc vùi lấp trong các phế tích kiến trúc.
– Tu bổ mang tính chất sửa chữa nhỏ, có nhiệm vụ bảo vệ và gia cường về mặt kỹ thuật để cho di tích luôn được giữ trong trạng thái bảo quản ổn định mà không làm thay đổi hình dáng lịch sử vốn có của nó, như: Bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ cho di tích, nhằm kiểm tra về mặt kỹ thuật, phát hiện, ngăn chặn hoặc loại trừ nguyên nhân gây hại cho di tích; sửa chữa nhỏ (mái dột, hệ thống máng nước, thoát nước, sơn cửa, quét vôi).
– Bảo quản cấp thiết: Khi phát hiện di tích đang ở trong tình trạng bảo quản không tốt, có khả năng đe doạ sự toàn vẹn và hoàn chỉnh của nó, hoặc có nguy cơ bị biến dạng, sụp đổ thì phải áp dụng ngay các biện pháp bảo quản cấp thiết. Đối với những di tích sau khi được công nhận nếu chưa có khả năng tu sửa lớn, chưa làm xong các khâu chuẩn bị khoa học cho công tác tu bổ, người ta cũng áp dụng biện pháp bảo quản cấp thiết hoặc di tích bị hư hỏng đột xuất do thiên tai gây ra. Nhưng phổ biến nhất là áp dụng biện pháp gia cố, tạo hệ thống khung chống đỡ các cấu kiện chịu tải trong di tích.
– Bảo quản phòng ngừa bằng biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn hoặc triệt tiêu các nguyên nhân gây hại cho di tích, có thể áp dụng biện pháp kỹ thuật để bảo quản từng phần di tích, bảo quản toàn bộ di tích, tạo lớp cách ly chống thấm nước, chống ẩm, phun thuốc phòng và diệt mối, mọt, ngâm tẩm xử lý hoá chất cho các cấu kiện cũ và mới trước khi lắp dựng lại.
Trong công tác bảo tồn di tích, bảo quản mang tính chất phòng ngừa là biện pháp thích hợp cần được ưu tiên nhưng cũng đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề kỹ thuật rất phức tạp.
– Cải tạo di tích để sử dụng vào các chức năng mới, là biện pháp chỉ được áp dụng với điều kiện không được làm tổn hại, giảm giá trị lịch sử và thẩm mỹ của di tích.
1.4 – Các khuynh hướng khác nhau trong việc áp dụng các hình thức tu bổ di tích cần phải căn cứ vào điều kiện lịch sử, khả năng kinh tế và đặc thù văn hoá của từng quốc gia mà vận dụng các hình thức tu bổ di tích phù hợp, đó là: Giữ di tích ở nguyên trạng thái cũ, hỏng bộ phận nào tu bổ phần đó, không thêm bớt, tu bổ di tích như nó vốn có, trước khi được tu bổ, nhằm đưa di tích trở lại trạng thái ban đầu như lúc mới khởi dựng với mục đích tạo ra sự toàn vẹn và hoàn chỉnh, cần chú ý tới khía cạnh thẩm mỹ gốc. Có trường hợp người ta có thể sử dụng vật liệu xây dựng mới, thậm chí vật liệu hiện đại vào việc tu bổ, như thay thế các cấu kiện chịu lực ở các kết cấu kín. Trường hợp khi không đủ cứ liệu khoa học, thì có thể vận dụng biện pháp so sánh, đối chiếu, tức là thông qua các di tích cùng loại hình hoặc dựa vào các bộ phận hiện còn mà tái taọ lại phần tương ứng đã bị mất. Nhiều trường hợp người ta áp dụng hỗn hợp cùng một lúc cả hai giải pháp nói trên. Hoặc là đối với các di tích có giá trị thẩm mỹ cao người ta ứng dụng nguyên tắc trung gian xử lý phần đã mất để tạo ra cảm giác hoàn chỉnh, nhưng vẫn thể hiện được nội dung, giá trị của di tích. Song, dù trong bất luận trường hợp nào thì phần trung gian cũng không được đối chọi và không làm ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận yếu tố nguyên gốc.
Cần nhấn mạnh một nguyên tắc là: Hình thức phục hồi, tái tạo di tích chỉ được áp dụng trong những trường hợp thật đặc biệt, khi đã áp dụng những biện pháp kỹ thuật khác nhưng vẫn không có khả năng ngăn chặn tình trạng xuống cấp của di tích.
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ nhân Trần Quang Hưng là chủ Xưởng sản xuất Đồ Thờ Sơn Đồng Trần Hùng nổi tiếng hiện nay. Với mong muốn gìn giữ nét văn hóa thờ cúng tâm linh của người Việt, bằng đôi tay tài hoa và khéo léo của mình Anh đã tạo nên những tác phẩm đồ thờ cúng tâm linh đầy tinh sảo và đẹp.